Sau chiến tranh Pyotr_Mikhailovich_Gavrilov

Sau khi được giải thoát khỏi trại tập trung của Đức, thật không may P. M. Gavrilov mất thẻ đảng và vì vậy đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô. Tuy nhiên sau đó, đến mùa thu 1945 ông được cử làm chỉ huy một trại tù binh Nhật đóng ở Sibir. Tại đây ông nhận được một số khen thưởng trong công tác (người ta cho rằng ông đã ngăn chặn được dịch thương hàn lây lan trong số các tù binh Nhật, cũng như hạn chế được các vụ lạm dụng từ phía các sĩ quan Nhật)[4]. Đến năm 1946, một tai họa khác giáng xuống đầu Gavrilov khi ông bị bắt và đưa vào trại tập trung GULAG do "tội" đã để cho quân Đức bắt làm tù binh. Ông bị giam ở đây cho đến năm 1955. Sau khi được phóng thích, P. M. Gavrilov đến Tatarya và sau đó là Krasnodar, tại đây ông gặp lại vợ và con mình, những người mà ông đã xa cách suốt từ hồi đầu chiến tranh[4][5][6].

Sau cơn bĩ cực cũng đến hồi thái lai. Năm 1956, một loại tài liệu mang tên "Tìm kiếm những Anh hùng của Pháo đài Brest" (В поисках героев Брестской крепости) của Sergey Sergeyeich Smirnov đã được hoàn tất và đến năm 1957 nó được ấn hành dưới cái tên "Pháo đài Brest" (Брестская крепость). Nhờ đó thanh danh và tư cách đảng viên của Gavrilov đã được khôi phục. Ông được để cử nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô và cuối cùng, sắc lệnh số 10807 ngày 30 tháng 1 năm 1957 của Chủ tịch đoàn Xô Viết Tối cao đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, Huân chương Lenin và huy chương Sao Vàng cho P. M. Gavrilov để tôn vinh "sự thể hiện mẫu mực về nghĩa vụ trong việc bảo vệ pháo đài Brest năm 1941, và để biểu lộ sự dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng" của ông[4].

Trong giai đoạn cuối đời, Gavrilov đã đi du lịch suốt vòng quanh lãnh thổ Liên Xô và tích cực tham gia vào công tác xã hội. Từ năm 1968 đến lúc mất ông sống ở Krasnodar tại ngôi nhà số 103 đường Svetlaya (đến năm 1980 con đường này được đặt theo tên ông).

P. M. Gavrilov qua đời vào ngày 26 tháng 1 năm 1979 tại Krasnodar. Ông được mai táng với đầy đủ nghi thức quân đội tại Nghĩa trang Tưởng niệm Brest.